Làn sóng doanh nghiệp xây dựng thấm đòn vì bị doanh nghiệp bất động sản giam nợ, "chết mòn" vì đói vốn, có dấu hiệu lan rộng.
Ghi nhận của ngành cho thấy, nhiều công ty xây dựng, nhà thầu chính lẫn phụ và cả các đơn vị thi công thị trường ngách như cảnh quan, thiết bị phụ trợ cho dự án bất động sản đều hụt hơi về dòng tiền. Nợ xấu tăng, họ cắt nhân sự, giảm lương, dừng thi công vì nguồn lực cạn kiệt do không đòi được nợ từ các chủ đầu tư dự án.
Giữa tháng 2, một tập đoàn xây dựng có trụ sở tại quận 3, TP HCM đang giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội. Chính sách này thực hiện từ tháng 12, được áp dụng cho đến khi có thông báo mới do nguồn lực không đủ duy trì để vượt qua khủng hoảng sớm trong quý II.
Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân chính là họ không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản. Có doanh nghiệp bất động sản đề nghị trả nợ bằng sản phẩm nhưng với thanh khoản thị trường đứng và khá yếu như hiện nay, đổi từ công nợ sang hàng hóa, theo ông, càng dồn đến chỗ khó.
Đại diện một nhà thầu phụ của tập đoàn xây dựng đứng top 2 tại Việt Nam đặt trụ sở tại TP HCM chia sẻ, đến giữa tháng 2, doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền vì vốn và lãi hàng trăm tỷ đồng đều nằm hết trong các khoản nợ khó đòi. Nhà thầu phụ này nói bị các nhà thầu chính chậm thanh toán từ quý III/2022 đến nay, đòi nợ liên tục nhưng về tay không, chưa được giải ngân đồng nào. Công ty phải dùng đến quỹ dự phòng nhưng khó có thể cầm cự đến giữa năm nay.
Hồi cuối tháng 1, ngay tại công trường một dự án nhà phố xây sẵn tại quận 2 cũ, nay thuộc TP Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng công nhân xây dựng căng băng rôn đòi tiền nhà thầu chính. Chủ đầu tư dự án phải mời công an lập biên bản vụ việc để đảm bảo an ninh trật tự. Theo trình báo với công an, họ nói đã trả toàn bộ chi phí cho nhà thầu chính nhưng nhà thầu chính lại chậm thanh toán cho nhà thầu phụ. Kết quả là công nhân chưa nhận được lương.
Đầu tháng 2, một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư và thiết kế cảnh quan và thiết bị công trình cho các dự án bất động sản tiết lộ, kế hoạch năm 2023 của công ty chỉ tập trung đòi nợ, nếu nợ chưa đòi được thì thu hồi hàng về để tránh rủi ro.
"Với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản năm 2022 và dự báo 2023 rất khó khăn, cung ứng hàng hóa trong khi nợ chưa thu hồi được thì càng thêm bế tắc", giám đốc công ty này giải bày.
Khó khăn của ngành xây dựng đã phần nào phản ánh trong kết quả kinh doanh quý IV/2022 mà các đơn vị niêm yết trên sàn vừa công bố.
Sau hai lần nhắc nhở từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng kỷ lục (tính theo quý) hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV. Lũy kế cả năm, doanh thu của HBC tăng hơn 20% nhưng giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp trong top đầu ngành xây dựng thu hẹp về dưới 2%, so với mức 7% của năm trước. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính không đủ để bù đắp chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp - hai chi tiêu đều tăng tính bằng đơn vị lần.
Lãi ròng của HBC:
620.1
Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng sau năm 2022, so với mức lãi ròng gần 100 tỷ của năm trước. Khoản lỗ này cũng đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi lên sàn.
Xây dựng SCG - công ty chuyên phụ trách xây dựng các dự án của Sunshine Group - cũng báo lỗ hơn 43 tỷ trong quý IV, lần đầu tiên từ khi thành lập. Lũy kế cả năm 2022, Xây dựng SCG ghi nhận doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế giảm hơn 80%, chỉ còn hơn 25 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), doanh nghiệp đứng đầu nhóm xây dựng trên sàn chứng khoán, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi, chủ yếu do phải tăng trích lập dự phòng.
Quý IV, CTD đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế cả năm, doanh thu của đại gia ngành xây dựng cũng tăng 60%, đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Nhưng mức lợi nhuận không đủ để bù đắp cho chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Cả năm 2022, CTD ghi nhận chi phí tài chính gấp 11 lần cùng kỳ, ở mức hơn 160 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên hơn 750 tỷ do các khoản trích lập dự phòng. Kết quả là lãi ròng cả năm của Coteccons chỉ hơn 20 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021.
Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) có phần tích cực hơn. Doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 đều cao hơn cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của Ricons đạt gần 11.400 tỷ đồng, tăng hơn 40%, với lãi ròng cả năm gần 91 tỷ đồng, tăng 14%.
Tuy nhiên, so với năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Ricons đã bị thu hẹp. Biên lãi gộp trong quý IV của doanh nghiệp này còn hơn 1%, với mức cả năm chỉ hơn 1,8%, so với gần 3% trong năm 2021.
Biên lãi gộp bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá nguyên vật liệu, sự suy giảm về lợi nhuận và một phần không nhỏ đến từ khó khăn của ngành bất động sản.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các doanh nghiệp đang vướng nhiều công nợ, khối lượng công việc giảm sút.
Chỉ trừ xây dựng công nghiệp – chiếm 10% vẫn giữ được khối lượng công việc, toàn ngành, gồm xây dựng nhà ở (chiếm 25%) và các dự án văn phòng, dân dụng (chiếm 50%) đều bị tác động.
"Chủ đầu tư bất động sản khó khăn, nợ nhiều khoản như trái phiếu, cũng không vay được ngân hàng nên không trả tiền. Một số trả bằng sản phẩm, mà có những cái còn không đủ điều kiện pháp lý nhưng chúng tôi vẫn phải nhận vì có còn hơn không", ông chia sẻ.
Trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xây dựng, các khoản phải thu cũng thể hiện đồng thời cả áp lực thu hồi nợ (khách hàng, đối tác) lẫn chi phí đi vay tăng cao.
Như Hòa Bình, quy mô các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đến cuối năm 2022 tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, phần dự phòng phải thu khó đòi tăng hơn gấp đôi.
Quy mô vay nợ cũng tăng thêm đáng kể. Tới cuối năm, phần lớn tài sản của HBC được xây dựng từ nợ phải trả, ghi nhận hơn 14.200 tỷ đồng. Trong đó, quy mô nợ vay ngắn hạn tăng thêm hơn 400 tỷ, còn nợ vay dài hạn tăng thêm hơn 700 tỷ đồng.
Coteccons cũng tương tự. Khoản mục phải thu ngắn hạn của công ty tăng 31%, lên hơn 11.200 tỷ đồng vào cuối năm, với dự phòng nợ khó đòi tăng gần 60%.
Tương tự Hòa Bình, nợ phải trả của CTD tăng 58%, lên 10.750 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Với Ricons, quy mô các khoản phải thu, cùng với phần vay nợ ngắn hạn cũng tăng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Nếu phải kiện tụng ở toà án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, bởi vụ việc có thể kéo dài vài năm liền.
"Nếu tình cảnh này kéo dài, ngành xây dựng trong 5 năm tới sẽ hết các công ty có đủ năng lực, chất lượng", ông nói.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng trong ngành xây dựng đang gặp khó, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải lên tận vùng núi để tuyển. 70% nhân lực trong ngành này là làm thời vụ, thường dễ tuyển dụng trong các năm trước từ các địa phương như Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định... Tuy nhiên, sau Covid-19, và đặc biệt chế độ phúc lợi của ngành xây dựng giảm trong thời gian qua (nhiều công ty vì khó khăn đã không lo được tháng lương thứ 13, lương trong ngành thấp...), nhiều người không muốn rời quê đi làm.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng đầu năm nay cho biết, trong 2022, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực – thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...